Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tỉnh Đồng Nai là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng năm 2005; phê duyệt quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành năm 2011.
Mục tiêu đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành đạt cấp 4F – cấp cao nhất theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
1. Thông tin sân bay quốc tế Long Thành:
Sân bay quốc tế Long Thành có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn.
- Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Vị trí thực hiện dự án nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành).
Sau khi hoàn thành, sân bay quốc tế Long Thành cách trung tâm TP.HCM 40km, cách Biên Hoà 30km.
2. Các phương án thiết kế sân bay quốc tế Long Thành được đánh giá cao:
Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam (ACV) đưa ra chín thiết kế, mỗi mẫu mang một ý nghĩa và hình tượng khác nhau về sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.
Chín phương án kiến trúc này sẽ được trưng bày để lấy ý kiến người dân ở 4 thành phố lớn: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai. Trong đó có 3 thiết kế Sân Bay quốc tế Long Thành được đánh giá cao là:
- Thiết kế mái nhà ga cách điệu hình lá cọ.
- Thiết kế hình hoa sen.
- Và thiết kế nội thất tre.
Thiết kế nhà ga hình hoa sen:
Thiết kế này được tác giả lấy ý tưởng từ hình ảnh bông sen cách điệu (đặc trưng cho văn hóa Việt Nam), sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.
Phương án này được đánh giá là phù hợp quy hoạch, có tính linh hoạt, đảm bảo sự vận hành, kết nối đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai và đảm bảo quy trình hàng không.
Thiết kế sân bay quốc tế Long Thành hình hoa sen do công ty Hàn Quốc thực hiện. Đây cũng là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); sân vận động Olympic (Baku); tòa tháp Kangnam – Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.
Thiết kế nhà ga hình lá cọ:
Phương án sân bay quốc tế Long Thành hình lá cọ, dừa nước cách điệu được đơn vị thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam. Nó được áp dụng vào thiết kế phần mái bao che công trình. Nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Bên trong ga đi, các quầy hàng được thiết kế như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam.
Phương án này do liên danh gồm 3 công ty Việt Nam, Nhật Bản và Singapore thiết kế. Họ từng thiết kế nhiều cảng hàng không lớn như: nhà ga hành khách T3 sân bay Changi (Singapore); nhà ga hành khách T2, sân bay quốc tế Phú Đông (Thượng Hải, Trung Quốc)…
Theo đơn vị thiết kế, hình thức kiến trúc nhà ga hiện đại, kết hợp việc sử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình và sử dụng vật liệu hài hòa, cố gắng tạo các điểm nhấn (là các khu kinh doanh dịch vụ, khu phòng chờ khách VIP tại sảnh ga đi) để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại.
Thiết kế nội thất bằng tre:
Phương án thiết kế nội thất bằng tre sử dụng cây tre (loại phổ biến ở Việt Nam) làm thành hệ kết cấu đan kết, áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến…).
Đồ án này do liên danh công ty Nhật Bản và Pháp thực hiện. Đây cũng là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T2 sân bay quốc tế Nội Bài (Việt Nam); khu vực sảnh chờ lên tàu bay 2 và 3 thuộc nhà ga số 3, sân bay quốc tế Dubai…
Sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dự kiến khởi công vào năm 2019. Công trình có diện tích 5.000 ha với vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, trong tương lai sẽ nâng tầng lên khu vực Đông Nam Á.